Năm Nhâm Dần 2022 này sấm đến muộn. Cuối tháng Giêng mới có sấm. Theo quan niệm cổ xưa của nhiều người miền núi thì năm mới chỉ thực sự đến sau tiếng sấm đầu năm. Đó cũng là lúc người ta mở hội đón mừng năm mới.

Hiện nay, nhiều bản làng người Thái ở Nghệ An, trong đó có bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) vẫn giữ phong tục gọi là uống rượu mùa hoa (ki làu bọc mạy – tiếng Thái).

Bà Quang Thị Thay, một thầy mo ở bản Hoa Tiến, thường xuyên tổ chức lễ này. Theo giải thích của bà thì tục uống rượu mùa hoa chỉ được tổ chức trong gia đình và hầu như chỉ có những người hành nghề thầy mo mới tổ chức lễ. Lễ vật có gà cúng thần linh, rượu cần. Sau lễ cúng do gia chủ cũng là thầy mo thực hiện, người ta mở rượu cần để chung vui đón năm mới.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
     Trích đoạn Lễ hội Xăng khan được sân khấu hóa.

Sau tiếng sấm đầu năm, người Thái ở Quỳ Châu còn tổ chức Lễ Xăng khan. Đây là lễ hội tâm linh độc đáo của người Thái ở Nghệ An. Nói về ý nghĩa của Lễ Xăng khan, ông Vi Ngọc Chân, một người nghiên cứu văn hóa bản địa ở huyện Quỳ Châu, cho biết: “Lễ Xăng khan do các thầy mo tổ chức để cầu chúc cho họ cũng như gia đình và làng bản được bình an, mạnh khỏe. Một ý nghĩa quan trọng khác, xăng khan được xem như là lễ thăng cấp của các thầy mo…”.

Một cây hoa xăng khan gồm 9 tầng, thể hiện cho 9 mường tâm linh của người Thái được chuẩn bị và đó cũng là trung tâm của lễ hội. Cây xăng khan được trang trí sặc sỡ bằng các hình thù cỏ cây, hoa lá, chim muông… Đó là một sự mô phỏng về thế gian, trời đất theo quan niệm của cộng đồng. Khi làm lễ, người ta vui hội rượu cần, nhảy múa quanh cây xăng khan này.

Mỗi tiết mục múa mô phỏng lại vòng đời một con người, từ cảnh lên trời xin linh hồn về đầu thai làm trẻ sơ sinh cho đến lễ tiễn linh hồn người chết về trời. Trong đó có các cảnh phát rẫy, cấy lúa, lao động sản xuất và cả cảnh sinh hoạt vợ chồng nhằm duy trì nòi giống. Những màn múa được đệm nhạc bằng chiêng, trống và tiếng hò reo vui nhộn của người múa và người xem hội.

Hiện nay, ngoài huyện Quỳ Châu, các huyện Quế Phong, Tương Dương vẫn duy trì Lễ Xăng khan trong cộng đồng. Năm 2017, Lễ Xăng khan được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Hồ Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời gian gần đây, nhận thấy vai trò của Lễ Xăng khan trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, một số địa phương có nhiều biện pháp bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị Lễ Xăng khan. Điển hình như huyện Kỳ Sơn hiện đang xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch”. Các huyện khác đang triển khai khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu để duy trì Lễ Xăng khan”.